Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc Việt Nam đang phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình được đưa ra tại hội thảo do Ban Kinh tế Trung Ương tổ chức ngày 15/4.
>> > Hoạch định tài chính qua chuyện cổ tích
Đây là một trong những nội dung gây tranh cãi tại hội thảo “Tránh bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam”. Theo các chuyên gia, bẫy thu nhập trung bình là tình trạng một quốc gia bị mắc kẹt ở mức thu nhập nhất định trong thời gian dài và không thể vượt qua ngưỡng đó để trở nên giàu có hơn.GS Trần Thọ Đạt – Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng trong tương lai, Việt Nam có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình như thực tế đã xảy ra ở một số nước. Trong khu vực ASEAN, Malaysia với GDP bình quân đầu người là 10.567 USD và được Ngân hàng Thế giới nhận định đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình cao. Tương tự, Thái Lan với GDP bình quân đầu người 9.143 USD có nguy cơ rơi vào bẫy.
Theo ông Thọ, tốc độ tăng trưởng trung bình của Việt Nam bắt đầu xu thế suy giảm nhanh và liên tục từ cuối 2007, và đến cuối 2012 nằm ở mức thấp nhất kể từ 2000. Trong khi đó, tăng trưởng các nước ASEAN – 5 đều khởi sắc hơn kể từ giai đoạn cuối 2009, sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Nhiều ý kiến trái chiều về bẫy thu nhập trung bình tại Việt Nam. Ảnh: Anh Quân
GS Kenichi Ohno - Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản lại cho rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình với một loạt các dấu hiệu đáng lo ngại. Theo chuyên gia này, tăng trưởng GDP của Việt Nam chậm lại, năng suất lao động kém, đồng thời sự chuyển dịch cơ cấu chỉ mang tính hình thức. Ngoài ra, ông Kenichi Ohno cũng cho rằng, nền kinh tế trì trệ trong các bảng xếp hạng toàn cầu, chỉ số cạnh tranh không cải thiện nhiều cũng là những dấu hiệu đáng báo động.
“Bên cạnh đó, các bạn cũng đang gặp phải các vấn đề nảy sinh do tăng trưởng như ô nhiễm, tham nhũng, bong bóng bất động sản, chênh lệch giàu nghèo”, giáo sư cho hay.
PGS. TS Nguyễn Thường Lạng – Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khá cao, khoảng 6-7%. Tuy nhiên, trong khối ASEAN vẫn thuộc nhóm 4 quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất.
Ông Lạng cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Việt Nam trong suốt 30 năm ở mức 6-7% nhưng chưa đáp ứng yêu cầu cần thiết để vượt qua vùng nhận thức bẫy thu nhập trung bình. Mức tăng trưởng thiếu ổn định nên khó có thể tạo được tiền đề vững chắc để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Các nền kinh tế mới công nghiệp hóa nhanh chóng vượt qua bẫy thu nhập trung bình đều có tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn cất cánh từ 9-10% thậm chí còn cao hơn.
Chuyên gia này cũng cho rằng, một trong những hạn chế quan trọng là kinh tế phụ thuộc đáng kể vào khu vực FDI. Theo Tổng cục Thống kê, khu vực này có tỷ lệ đóng góp vào GDP có xu hướng tăng lên. "Sự phụ thuộc quá lớn vào nhà đầu tư nước ngoài có thể là một trong những nguy cơ làm đất nước rơi vào trạng thái bẫy thu nhập trung bình vì sự thao túng đáng kể của nhà đầu tư nước ngoài theo hướng điều chỉnh chính sách có lợi cho họ", ông Lạng lo ngại.
Đây cũng là một trong những vấn đề mà ông Kenichi Ohno cảnh báo. "Việt Nam xuất khẩu 65% là hàng chế biến chế tạo, nhưng hầu hết là xuất khẩu của khu vực FDI. Doanh nghiệp nội chủ yếu xuất khẩu hàng dệt may, da giày, nông sản. Nên một phần quan trọng trong tăng trưởng không phải do bản thân Việt Nam mà là từ nguồn lực bên ngoài", chuyên gia này nhận định.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) không quá bi quan về vấn đề này. Ông cho rằng, nếu như theo cách tính của Ngân hàng Thế giới thì Việt Nam còn 20 năm nữa mới rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp và 14 năm sau đó là bẫy thu nhập trung bình cao. “Tức là chúng ta còn nửa thế kỉ nữa để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Tất nhiên, với tình trạng như hiện nay, rất cần cảnh báo về bẫy thu nhập trung bình. Bởi lẽ nếu chúng ta tăng trưởng như từ 2007 đến nay thì nguy cơ ấy là có thật”, chuyên gia cho hay.
Giải pháp về vấn đề này, GS Kenichi Ohno rằng Việt Nam nên hành động thay vì tranh luận quá nhiều xem đã mắc bẫy hay chưa? Đó là làm sao để đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững.
Ông Nguyễn Đình Cung - quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng cần quyết tâm cải cách thể chế theo hướng Nhà nước phải từ bỏ quyền lực của mình để tạo ra thể chế thị trường thực sự.
"Lao động, vốn đều đua nhau chạy vào khu vực năng suất thấp là Nhà nước. Điều này cho thấy dấu hiệu bất thường, sự phân bố nguồn lực đang hết sức méo mó, sai lệch, dẫn đến sự lãng phí, hiệu quả kém. Và vấn đề đặt ra là Nhà nước có dám từ bỏ quyền lực của mình hay không? Nếu không nhất quán được điều này, lúc tiến, khi lại lùi thì khó vượt qua được bẫy thu nhập trung bình", ông Cung nhận định.
Từ năm 1950 đến 2010, trong số 124 nền kinh tế trên thế giới được đánh giá bởi World Bank (WB) có 52 nền kinh tế ở mức thu nhập trung bình. 35 trong số đó rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Và chỉ 13 trong số 52 nền kinh tế vượt qua để trở thành nước có thu nhập cao.
Kinh tế Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp từ 2010 với mức thu nhập bình quân đầu người là 1.068 USD, năm 2013 là 1.960 USD. Việt Nam cũng như các nước khác khi đạt được mức thu nhập trung bình đều quan tâm đến nguy cơ vướng bẫy liên quan đến các chỉ số về tốc độ tăng trưởng, năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế...
Ngọc Tuyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét