(Dân trí) - Làng Vẽ (Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) không chỉ nổi tiếng với món “nem Vẽ” mà còn tự hào là nơi sản sinh ra nhiều tiến sĩ Hán học và Tây học.
Làng có nhiều người đỗ đạt làm quan nên người xưa đã có câu: đất kẻ Giàn, quan kẻ Vẽ.
ảnh minh họa |
Sải bước trên con đường gạch nghiêng, tôi đến thăm ngôi từ đường họ Phan ở xóm 4A. Nổi bật trong vòm lá xanh là pho tượng nhà sử học Phan Phu Tiên. Ông chính là tiến sĩ khai khoa của làng Đông Ngạc dưới thời Lê Thái Tổ. Dân làng Đông Ngạc vẫn ghi nhớ lời ông dạy: “Trẻ mà không học khó làm nên/ Tự thẹn già nua trót kém hèn/ Ôn cũ sau này mong biết mới/ Vào nhà ắt phải bước qua hiên”làng
Tượng Phan Phu Tiên - tiến sĩ khai khoa của làng Đông Ngạc - tại nhà thờ họ Phan.
Trên tấm bia đá ở nhà thờ họ Phan còn có những tên tuổi danh tiếng khác như Phan Tuấn Phong - lãnh tụ phong trào Đông kinh nghĩa thục; Phan Văn Trường - tiến sĩ luật tại Pháp...
Các cụ cao niên ở Đông Ngạc cho biết: hầu hết các dòng họ lớn trong làng đều có nguồn gốc từ đất Ái Châu, Thanh Hóa. Cuộc sống ngày xưa khốn khó nên các cụ đều chăm chỉ theo nghiệp đèn sách. “Đông Ngạc thời cổ có tên nôm là làng Đống Ếch vì giai thoại trong làng có nhiều học trò đọc sách ran ran như tiếng ếch kêu. Chỉ tính riêng các khoa thi thời phong kiến làng đã có 25 tiến sĩ Hán học, 6 tiến sĩ vọng và gần 400 cử nhân, tú tài. Cả 5 dòng họ lớn trong làng là Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn, Hoàng đều có người đỗ đạt cao”, cụ Nguyễn Văn Hoàn, 70 tuổi, cho biết.
Các tộc họ ở đây, tộc họ nào cũng có người đỗ đại khoa, ít nhất là một người, nhiều họ như họ Phạm là 16 người. Gia đình cụ Hoàng Tế Mỹ nổi tiếng vì 3 đời nối tiếp nhau đỗ Hoàng Giáp cũng như gia đình cụ Phạm Quang Trạch có tới 7 người đỗ đại khoa (tiến sỹ) trong khoảng 211 năm.
Đông Ngạc đã sản sinh ra nhiều danh nhân đóng góp lớn nhiều mặt ở nhiều lĩnh vực và mọi thời kỳ lịch sử như Phan Phu Tiên, Hoàng Tế Mỹ, Hoàng Tăng Bí, Hoàng Minh Giám…
Hầu hết những chiếc cổng làng, cổng ngõ ở Đông Ngạc đều có hai ngọn bút tháp vươn cao thể hiện tinh thần hiếu học. Sự ham học của những người con Đông Ngạc đã trở thành giai thoại. Ông giáo làng Phạm Quang Đại kể cho tôi nghe câu truyện về sự ham học của bảng nhãn Phạm Quang Trạch xen lẫn niềm tự hào: từ nhỏ cụ Trạch đã rất chăm học. Hết thảy các gốc cau trong vườn đều nhẵn bóng do cụ ngày đêm qua lại đọc sách vịn tay vào. Đến mùa đông, đêm ngồi học, cụ lấy khăn vải tẩm nước đặt lên đùi, khiến cụ lạnh nên không thể ngủ gật được.
ảnh minh họa |
Những cổng làng, cổng ngõ ở Đông Ngạc đều có hình tháp bút tượng trưng cho truyền thống hiếu học.
Nối tiếp truyền thống cha ông, những người con Đông Ngạc hôm nay cũng rất hiếu học. Bà Nguyễn Thị Thanh, trưởng ban văn hóa xã Đông Ngạc cho biết: Cho đến nay, số người có học vị tiến sĩ là người gốc Đông Ngạc đã lên tới gần 100 người. Số em đỗ đại học của Đông Ngạc cũng không ngừng tăng lên. Năm học 2008, Đông Ngạc có 87 em đỗ đại học, năm 2009 là 105 em.
Lý giải về truyền thống khoa bảng của làng Đông Ngạc, cụ Nguyễn Châu Tiệp cho hay: “Người xưa bảo rằng, thế của làng tôi là thế rồng. Ngay ngôi đình cũng được xây dựng dựa trên thế đó nên con cháu trong làng mới có nhiều người công danh thành đạt. Nhưng cái chính vẫn nằm ở ý chí khắc phục nghèo khó, ngày đêm “sôi kinh nấu sử” mới tạo nên những dòng họ danh tiếng như hôm nay”.
Ông Nguyễn Quang Thậm - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc - cho biết: “Mỗi gia đình, dòng họ ở Đông Ngạc đều xây dựng quỹ khuyến học riêng để hàng năm tổ chức trao thưởng cho các học sinh đạt thành tích cao trong học tập. Cha mẹ nào cũng yêu thương và quan tâm, động viên con cháu học hành đến nơi đến chốn”.
Một trong những dòng họ tiêu biểu về phong trào khuyến học là họ Phạm Gia. Trong bản Điều lệ của Hội đồng gia tộc họ Phạm soạn năm 1937 có ghi: Nếu sau này quỹ hội dồi dào thì sẽ đặt ra những học bổng của họ để cấp cho những con em trong họ, xét ra có tài, thông minh, có hạnh kiểm tốt mà vì nhà nghèo không thể đi học được.
Ông Quý cũng tâm sự: “Không phải vì được thưởng mà con cháu trong họ mới cố gắng học tập. Có được những thành tích cao như hôm nay không chỉ ở sức mạnh nội lực của dòng họ mà chủ yếu là ở tinh thần cần cù, chịu khó, ý thức phấn đấu học tập của mỗi người con Đông Ngạc để không hổ thẹn với tiền nhân”.
Hoàng Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét