TT - “Có đêm, chị lao công hay anh bảo vệ lén mở cửa thang máy cho tôi thì hôm sau họ bị quở trách. Tôi không muốn phiền ai nên tự bò lết lên lầu 6”, anh Huỳnh Tấn Đạt (36 tuổi) nghẹn ngào kể câu chuyện của mình.
>> Từ xây đến "quản" chung cư: Vẫn rất nhiều bất cập
ảnh nguồn internet |
Năm 2000 khu vực nhà tôi ở bị giải tỏa, cả gia đình về tái định cư tại chung cư Tuệ Tĩnh (P.12, Q.11, TP.HCM). Được mọi người động viên, đến năm 2011 tôi bắt đầu đẩy xe lăn đi bán vé số.
Một ngày làm việc của tôi bắt đầu từ 7g, tự đẩy xe ra đại lý nhận vé rồi lòng vòng khu vực Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, Nhà văn hóa Q.5 để bán.
Buổi tối khí trời mát mẻ, người dân đi chơi đông nên tôi mới bán được nhiều. Thường khi trở về nhà đã hơn 1g sáng hôm sau.
Chung cư nơi tôi ở có quy định 23g đóng cửa thang máy, sau giờ đó ai về phải đi thang bộ. Trước đây, lúc tôi về vẫn thường có người mở thang máy cho tôi lên, tạo điều kiện cho tôi.
Nhưng hơn một tháng nay, chung cư siết chặt quy định sau 23g thì khóa, không mở thang máy nữa. Thế là nhiều hôm tôi phải bỏ xe lăn lại, lết từng bước lên nhà trên lầu sáu. Có đêm tôi đã gục xuống trước cửa nhà mình vì kiệt sức.
Ngày 23-4, tại buổi tiếp xúc cử tri Q.11 của đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, phó chủ tịch UBND Q.11 Nguyễn Hoàng Thái lưu ý về trường hợp của tôi.
Theo lời ông Thái, chung cư không nên đóng hết các thang máy từ thời điểm 23g mỗi ngày mà nên để một thang hoạt động liên tục phục vụ cư dân di chuyển.
Tuy nhiên, đến nay thang máy chung cư vẫn đóng vào 23g, ai về sau đều phải leo thang bộ, không có ngoại lệ.
Dù đó là quy định từ lâu, nhưng tôi nghĩ người bình thường đi bộ lên sáu lầu còn mệt huống hồ tôi không có chân, cố sức bò, lết lên từng bậc.
Nhiều lúc tôi nghĩ mình không được may mắn như người khác, chỉ muốn được lao động để tự nuôi sống, dành dụm chút tiền phòng khi đau bệnh, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội nhưng sao khó quá.
Mấy hôm nay vì mệt quá tôi phải cố trở về nhà cho kịp giờ thang máy, đẩy xe nhanh quá, cánh tay mỏi rã rời, nhưng vẫn còn hơn bò lên sáu lầu thang bộ, vừa mệt vừa tủi thân.
Tôi chẳng dám đòi hỏi gì nhiều, cứ mong giá mọi người thông cảm và đừng quá cứng nhắc với tôi thì tôi sẽ cảm động và biết ơn nhiều lắm.
Đã có kế hoạch sửa thang máy
Ông Ôn Khải An, tổ trưởng tổ dân phố 45, kiêm trưởng ban quản trị chung cư Tuệ Tĩnh, giải thích: “Chung cư có bốn thang máy thì ba cái đã hỏng, trong đó hai thang đã hỏng từ lâu. Trước đây khi hai thang vẫn còn hoạt động bình thường, bảo vệ vẫn mở cửa và giúp anh Đạt đi lên lầu. Nhưng nay chỉ còn một thang phục vụ cho 134 hộ với gần 800 người lên xuống mỗi ngày. Thang máy hoạt động quá tải liên tục, cũng thường xuyên xảy ra sự cố nên cần phải có thời gian nghỉ mới đảm bảo an toàn”. Theo ông An, sau khi tiếp nhận ý kiến của anh Đạt, UBND P.12 đã họp với các bên liên quan, thống nhất việc tạo điều kiện cho anh Đạt: mỗi tuần đội vệ sinh dọn dẹp 3-4 lần vào 23g-5g hôm sau, anh Đạt có thể đi chung thang máy với đội vệ sinh để lên nhà. Những hôm còn lại, anh Đạt có thể về trễ thêm 30 phút so với quy định.
Chiều 7-5, ông Nguyễn Hoàng Thái, phó chủ tịch UBND Q.11, cho biết quận đã có chỉ đạo UBND P.12 - đơn vị quản lý chung cư Tuệ Tĩnh - tiếp xúc, động viên anh Đạt, đồng thời lập phương án sửa chữa thang máy để tạo điều kiện cho cư dân chung cư Tuệ Tĩnh đi lại được thuận tiện 24/24 giờ. UBND quận vừa chấp thuận phương án đấu thầu tìm nguồn kinh phí sửa chữa hệ thống thang máy tại chung cư với tổng kinh phí khoảng 380 triệu đồng. Ông Lê Vũ Thanh Tùng, chủ tịch UBND P.12, cho biết trên cơ sở kế hoạch đã được quận duyệt, dự kiến ngày 15-5 phường sẽ tổ chức đấu thầu. “Chúng tôi đã động viên anh Đạt trong thời gian chờ đợi thang máy được sửa, cố gắng về sớm hơn một chút. Khi sửa xong cả bốn thang máy, chúng tôi sẽ có phương án mở cửa 24/24 giờ để đáp ứng việc đi lại thường xuyên của người dân” - ông Tùng nói.
HUỲNH TẤN ĐẠT
MAI HOA ghi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét